Hậu quả của bạo lực gia đình và giải pháp phòng chống bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình vẫn đang hiện diện trong cuộc sống và ngày càng trở nên phức tạp hơn với nhiều hình thức khác nhau. Vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng đến nạn nhân mà còn gây ra hậu quả đối với con trẻ và chính bản thân người bạo hành. Để phòng, chống bạo lực hiệu quả, cần sự nỗ lực của cá nhân và các tổ chức, ban ngành.

1.Nhận diện các nhóm bạo lực gia đình

Hiện nay, bạo lực gia đình được chia thành các nhóm với biểu hiện hoàn toàn khác nhau.

* Bạo lực thể chất

Bạo lực về thể chất là dạng bạo hành thường gặp nhất. Dạng bạo lực này đặc trưng bởi hành vi cố ý làm tổn thương đến thể chất hoặc xâm hại tính mạng của những thành viên trong gia đình. Bạo lực thể chất có thể xảy ra ở mối quan hệ vợ chồng, bố mẹ – con cái hoặc con cháu với ông bà. Mặc dù không có con số chính xác nhưng thời gian gần đây đã xuất hiện không ít vụ việc trẻ bị bạo hành nghiêm trọng dẫn đến tử vong. Bạo lực về thể chất dễ nhận biết hơn so với những dạng bạo hành khác. Bởi trên cơ thể của nạn nhân sẽ xuất hiện các vết thương tích như vết bầm, vết máu,… Hơn nữa, với những hành vi bạo lực, nạn nhân có thể cảm nhận được nỗi đau một cách rất rõ ràng.

* Bạo lực tinh thần

Bạo lực tinh thần trái ngược với bạo lực về thể chất. Đối với dạng bạo hành này, người bạo hành hầu như không có các hành vi gây tổn thương thể chất cho nạn nhân mà thay vào đó sử dụng lời nói. Những lời nói nặng nề, mạt sát và đay nghiến sẽ khiến cho nạn nhân bị tổn thương. Tổn thương tâm lý không được thể hiện rõ như những vết thương ngoài da thịt. Chỉ có nạn nhân mới có thể thấu hiểu được nỗi đau, sự ngột ngạt và mệt mỏi bản thân đang phải đối mặt.

* Bạo lực về tài chính

Bạo lực về tài chính/ bạo lực kinh tế là một trong những dạng bạo hành gia đình thường gặp. Dạng bạo hành này đặc trưng bởi hành vi kiểm soát, ép buộc và chiếm đoạt thu nhập mặc dù đối phương không đồng ý. Ngoài ra, bạo lực về tài chính còn bao gồm các hành vi chi tiêu phung phí, hủy hoại tài sản chung hoặc tài sản riêng của những thành viên khác.

  1. Hậu quả Bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Không chỉ riêng nạn nhân mà cả chính kẻ bạo hành và những thành viên khác trong gia đình cũng phải đối mặt với những hậu quả nặng nề. Sự hiện diện của bạo lực trong mỗi gia đình cũng là rào cản cho sự phát triển văn minh và tiến bộ của xã hội.

* Đối với nạn nhân

Có thể nói, nạn nhân là người phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất từ bạo lực gia đình. Hành vi bạo hành dù ở hình thức nào cũng đều để lại tổn thương sâu sắc và dai dẳng. Những hậu quả nạn nhân của bạo hành gia đình phải đối mặt bao gồm:

*Đối với con cái

Bạo lực gia đình ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển thể chất và tinh thần của con trẻ. Trẻ bị bạo hành sẽ phải đối mặt với tổn thương tâm lý suốt đời. Ngoài ra, con cái chứng kiến cảnh bạo lực, xung đột của bố mẹ cũng khó có thể phát triển một cách lành mạnh.

* Đối với chính người bạo hành

Nhiều người cho rằng, chỉ có nạn nhân mới gánh chịu hậu quả do bạo lực gia đình. Tuy nhiên trên thực tế, người bạo hành cũng phải gánh chịu không ít hậu quả, đánh mất đi các mối quan hệ tốt đẹp như mối quan hệ với bạn đời, con cái, bố mẹ,…

* Đối với gia đình

Bạo lực gia đình không chỉ ảnh hưởng đến mỗi cá nhân mà còn gây ra hậu quả với chính tổ ấm. Sự hiện diện của bạo lực sẽ dẫn đến gia đình tan vỡ, ly hôn, ly thân

* Đối với xã hội

Hành vi bạo lực của một gia đình sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đối với xã hội như giảm khả năng lao động, giảm thu nhập bình quân của mỗi cá nhân, tạo ra lực lượng lao động có năng lực kém, tinh thần yếu,… Ngoài ra, sự hiện diện của bạo lực gia đình sẽ kìm hãm xã hội phát triển văn minh và hiện đại.

3.Cách phòng, chống bạo lực gia đình

* Đối với nạn nhân

Nạn nhân bị bạo lực gia đình cần trang bị cho bản thân các kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực.  Chủ động tìm sự giúp đỡ từ hàng xóm và chính quyền khi bạo hành thường xuyên. Khi đối phương nóng giận, cách tốt nhất là im lặng để tránh mâu thuẫn xảy ra. Đối phương có thể nói những lời vô lý và nhục mạ nhưng việc tranh cãi ở thời điểm này không phải là giải pháp phù hợp, vì vậy, hãy tự bảo vệ bản thân bằng cách giữ im lặng và lựa chọn lời nói phù hợp. Ghi lại tất cả bằng chứng bạo hành của đối phương để sử dụng khi cần thiết.

* Đối với các tổ chức xã hội

Tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức của mọi người về phòng, chống bạo lực gia đình. Phổ cập kiến thức về luật bảo vệ gia đình và bình đẳng giới để xóa bỏ hoàn toàn những tư tưởng lạc hậu. Làm tốt công tác hóa giải xung đột, mâu thuẫn để tránh dẫn đến bạo lực và rạn nứt. Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, quan tâm hơn đến hoàn cảnh của mỗi gia đình. Ngoài ra, cần can thiệp ngay khi xuất hiện bạo hành. Xử phạt nghiêm những người có hành vi bạo lực gia đình để làm gương cho những người khác.

         Bạo lực gia đình vẫn đang hiện diện trong cuộc sống mặc cho những nỗ lực của nhà nước và các ban ngành. Gốc rễ của vấn nạn này vẫn là nhận thức sai lệch và thiếu đúng đắn. Do đó, để chấm dứt nạn bạo lực gia đình, cần sự nỗ lực của các tổ chức xã hội và chính bản thân mỗi người.

BBT xã Giới Phiên

 


Bài viết mới nhất:
Powered by VNPT