TH ÔNG BÁO HƯỚNG DẪN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG ĐÓI, RÉT CHO ĐÀN GIA SÚC, GIA CẦM, VÀ THỦY SẢN TRONG VỤ ĐÔNG NĂM 2024-2025

Để kịp thời ứng phó với những diễn biến bất thường của khí hậu, thời tiết, gây ảnh hưởng bất lợi đối với đàn vật nuôi, khiến vật nuôi tốn nhiều năng lượng chống rét và làm giảm sức đề kháng của cơ thể, nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: Dịch tả lợn Châu phi, tai xanh, tụ huyết trùng, phó thương hàn ở lợn; lở mồm long móng gia súc, tụ huyết trùng trâu bò; Newcastle, Gumboro, tụ huyết trùng trên gia cầm,…Để phòng chống đói rét, giảm thiệt hại cho đàn vật nuôi do rét đậm, rét hại gây ra, người chăn nuôi ủy ban nhân dân yêu cầu các hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

  1. Đối với trâu, bò:
  2. Chuồng trại và phương thức chăn nuôi:

Có hệ thống bạt, rèm che chắn chuồng trại tránh mưa tạt, gió lùa, bảo đảm chuồng trại kín, ấm, khô. Đặc biệt, cần giữ nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ. Đối với nền chuồng trâu bò cần rải thêm lớp trấu, rơm khô để giữ ấm chân và tăng nhiệt độ trong chuồng. Dự trữ chất đốt: củi, trấu, mùn cưa … để đốt, sưởi cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.

Không cho trâu, bò cày kéo khi thời tiết quá lạnh; áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm. Nhiệt độ quá lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi nhất là đối với gia súc già yếu, gia súc non. Vì vậy, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để có kế hoạch cụ thể. Nếu nhiệt độ dưới 12C thì không nên chăn thả vật nuôi mà nhốt tại chuồng để tiện chăm sóc, quản lý. Có thể tăng cường sưởi ấm cho đàn vật nuôi bằng bóng sưởi chuyên dụng, củi đốt, bếp than để tăng nhiệt độ trong chuồng nuôi (chú ý thường xuyên theo dõi khi đốt, để xa dụng cụ đốt với vật liệu dễ cháy trong chuồng nuôi như bạt che, chất độn chuồng, các thanh che chắn bằng vật liệu dễ cháy….), không tắm cho vật nuôi trong những ngày giá lạnh. Có thể sử dụng chăn, bao tải…làm áo mặc cho trâu, bò.

  1. Chăm sóc và nuôi dưỡng

Trong chăn nuôi, thức ăn chiếm khoảng 70% giá thành của sản phẩm; nó có vai trò quan trọng trong sự sinh trưởng và phát triển của vật nuôi. Trong những ngày giá, rét vật nuôi cần nhiều năng lượng để chống rét từ nguồn thức ăn.

Thông thường sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn; tuy nhiên, vào những ngày mùa đông thức ăn bị khan hiếm nên cần phải bổ sung. Cần cung cấp đủ thức ăn thô xanh với định mức bằng 10% trọng lượng cơ thể; đồng thời bổ sung thêm thức ăn tinh như bột ngô, bột sắn, cám gạo (khoảng 0.5-1kg/con/ngày). Bổ sung thêm muối bằng cách pha khoảng 5g/100kg thể trọng bằng nước ấm cho trâu, bò uống nhằm tăng trao đổi chất, sức đề kháng cho trâu, bò.

Cung cấp thức ăn xanh ủ chua cho trâu, bò (thân cây ngô, cỏ voi…) với lượng 7-10kg/ngày nhằm nâng cao tỷ lệ tiêu hóa.

  1. Vệ sinh thú y:  

– Cách ly, chăm sóc tốt trâu, bò yếu, ốm trong những ngày giá rét; tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Thường xuyên thay mới chất độn chuồng, giử nền chuồng luôn khô ráo đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, định kỳ phun thuốc khử trùng 2-3 tuần/lần để hạn chế mầm bệnh phát triển.

– Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò theo quy định như: Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục…

  1. Đối với lợn
  2. Chuồng trại

– Đối với kiểu chuồng hở: Dùng bạt che kín ở phía dưới, để khe hở thoát hơi ở phía trên để tránh tích tụ khí độc trong chuồng nuôi.

– Đối với kiểu chuồng kín: Tùy theo nhiệt độ môi trường để điều chỉnh hoạt động của quạt thông gió cho phù hợp. Lưu ý không nên tắt hết quạt thông gió trong một thời gian dài vì sẽ làm tích tụ khí độc trong chuồng nuôi.

– Giữ cho nền chuồng/chất độn chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ. Hạn chế rửa chuồng nhất là lợn con theo mẹ và lợn con sau cai sữa. Có thể sử dụng biện pháp chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học để giữ ấm và phòng bệnh đường hô hấp – tiêu hóa cho đàn lợn.

– Sưởi ấm: Lợn con theo mẹ phải có ô úm riêng, có bóng điện sưởi đảm bảo nhiệt độ theo từng giai đoạn. Đối với lợn trưởng thành có thể sử dụng bóng điện hay đốt lửa sưởi ấm trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi… tuy nhiên cần đảm bảo an toàn (tránh cho lợn bị bỏng, ngạt khói hoặc gây cháy).

– Thu gom chất thải xử lý bằng các biện pháp phù hợp. Định kỳ 2 lần/1 tuần phun thuốc tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại và khu vực chăn nuôi.

  1. Chăm sóc, nuôi dưỡng

Khẩu phần ăn phải đảm bảo, đầy đủ chất dinh dưỡng (có thể cho ăn tự do, ăn các bữa trong ngày tùy vào loại thức ăn, phương thức nuôi). Bổ sung thêm vitamin, men tiêu hóa thường xuyên cho lợn. Cần sử dụng bóng úm, chuồng úm cho lợn con theo mẹ; cho lợn con tập ăn sớm để tăng khả năng tiêu hóa.

– Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng các loại hoá chất như: Virkon, Han-Iodine, Benkocid, vôi bột …

– Thường xuyên theo dõi tình hình đàn gia súc, phát hiện kịp thời gia súc ốm để cách ly xử lý kịp thời. Đảm bảo khống chế dịch bệnh trước, trong và sau mỗi đợt rét đậm, rét hại.

  1. Phòng bệnh

– Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để tạo miễn dịch chủ động cho đàn lợn: Vắc xin phòng bệnh Dịch tả, Tụ huyết trùng, Đóng dấu, Phó thương hàn, Tai xanh, LMLM…

– Những ngày thời tiết đột ngột thay đổi, mưa phùn nên dùng kháng sinh pha vào nước uống hoặc trộn vào thức ăn để phòng bệnh đường hô hấp và tiêu hóa.

– Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn lợn để phát hiện sớm những con bị bệnh và có biện pháp điều trị thích hợp. Nếu thấy lợn chết báo ngay cho cán bộ thú y hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời (không bán chạy lợn ốm, không vứt xác lợn bừa bãi,…).

III. Đối với gia cầm

Gia cầm non dễ bị tổn thương, đặc biệt thời tiết lạnh làm chậm hoặc không tiêu túi lòng đỏ, gây viêm, ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm sức đề kháng, kế phát nhiều bệnh gây tăng tỷ lệ chết, giảm năng suất, chất lượng đàn gia cầm. Vì vậy để hạn chế các tác động có hại đến gia cầm non, khi úm cần chú ý một số vấn đề sau đây:

  1. Quây úm

Để tập trung nguồn nhiệt, tránh gió lùa, trong thời gian úm nên sử dụng các tấm cót quây với chiều cao 50 cm, thường quây hình tròn hoặc hình ê-líp để nguồn nhiệt tỏa đều trong quây. Mỗi quây có đường kính 1,5 – 2 (m) nuôi úm 120 – 200 con. Chất độn chuồng nên đổ dày đều 5 – 7 cm để giữ ấm cho gia cầm. Từ ngày thứ 5 tăng diện tích quây để gà có thể di chuyển dễ dàng đến máng ăn, máng uống. Gia cầm non cần được đưa vào khu vực nuôi úm ngay sau khi xuống chuồng, phân bổ số lượng gia cầm đồng đều vào các quây úm. Có thể chăn nuôi gà trên nền đệm lót vi sinh để nâng cao nhiệt độ chuồng nuôi giúp sưởi ấm cơ thể vật nuôi.

  1. Nhiệt độ chuồng nuôi úm

Việc giữ ấm cho gia cầm con theo nhu cầu sinh lý trong các tuần tuổi đầu (đặc biệt là 2 tuần đầu) mới xuống chuồng rất quan trọng. Nếu không đảm bảo đủ nhiệt độ, tỷ lệ nuôi sống, khả năng sinh trưởng sẽ bị ảnh hưởng các bệnh hô hấp, tiêu hoá dễ phát sinh.

Từ ngày 22 – 28 cần chú ý đến tốc độ mọc lông ở gia cầm để điều chỉnh nhiệt độ cho thích hợp.

Trong quá trình nuôi phải quan sát phản ứng của gia cầm đối với nhiệt độ:

+ Nếu gia cầm tập trung gần nguồn nhiệt, chen lấn chồng đống lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt độ gia cầm bị lạnh.

+ Nếu gia cầm tản xa nguồn nhiệt nháo nhác, khát nước, há mỏ để thở là bị quá nóng cần phải điều chỉnh giảm nhiệt độ.

+ Nếu gia cầm tụm lại một phía là bị gió lùa rất nguy hiểm cần phải che kín hướng gió thổi.

+ Khi đủ nhiệt gia cầm vận động ăn uống bình thường ngủ, nghỉ tản đều.

Cần quan sát kỹ các biểu hiện của gia cầm trong giai đoạn nuôi úm bởi vì đây là chỉ dẫn tốt nhất về nhiệt độ hợp lý.

Thiết bị sưởi ấm: có thể dùng bóng điện, bóng hồng ngoại ở những nơi có điện hoặc đèn thắp sáng, lò ủ trấu, đốt củi khô ở vùng sâu vùng xa (có ống thoát khói cao, không để khói ảnh hưởng đến gia cầm). Vị trí đặt thiết bị sưởi ấm trong quây hay trong ô chuồng cao hay thấp tuỳ thuộc vào yêu cầu về nhiệt độ ở từng giai đoạn. Chú ý khi dùng bóng hồng ngoại để sưởi ấm, nếu để bóng thấp, nhiệt độ quây úm cao dễ gây khô chân, khô niêm mạc của gia cầm.

    Yêu cầu về nhiệt độ (0C) đối với gà: 

+ Ngày tuổi 0-3: nhiệt độ tại quây úm 37 (0C) nhiệt độ chuồng nuôi 31-32

+ Ngày tuổi 4-7: nhiệt độ tại quây úm 35 (0C) nhiệt độ chuồng nuôi 31-32

+ Ngày tuổi 8-14: nhiệt độ tại quây úm 32 (0C) nhiệt độ chuồng nuôi 29-30

+ Ngày tuổi 15-21: nhiệt độ tại quây úm 29 (0C) nhiệt độ chuồng nuôi 28-29

+ Ngày tuổi 22-35:                                      (0C) nhiệt độ chuồng nuôi 21-28

          Yêu cầu về nhiệt độ (0C) đối với vịt, ngan:

          + Ngày tuổi 1 – 3: 32 – 33oC

          + Ngày tuổi 4 – 5: 29 – 31oC

          + Ngày tuổi 6 – 14: 25 – 28oC

          + Từ 15 ngày tuổi: 24 – 25oC

  1. Độ thông thoáng

Gia cầm non cần phải được nuôi dưỡng trong điều kiện nhiệt độ phù hợp có đủ không khí sạch. Tuy nhiên chuồng úm gia cầm 1 ngày tuổi phải che kín, sự thay đổi không khí gần như bằng không nhưng vần đủ không khí cung cấp cho gà.

Khoảng 3 ngày sau cần phải thay đổi không khí với tốc độ 0,2 m/giây để tránh bị ẩm thấp, ngột ngạt làm gia cầm chậm phát triển. Điều kiện ngột ngạt, ẩm thấp có thể làm cho bệnh tật phát sinh, các bệnh ký sinh trùng, bệnh cầu trùng và nhiều bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh. Gia cầm càng lớn, lượng thức ăn, nước uống tiêu thụ càng nhiều, lượng chất thải lớn do đó không khí chuồng nuôi chứa nhiều khí độc như NH3, H2S, nếu không đủ thông thoáng dễ phát sinh các bệnh đường hô hấp….

  1. Mật độ

Tuỳ thuộc vào điều kiện chuồng nuôi, thời tiết, khí hậu mà quyết định mật độ nuôi. Trong điều kiện tất cả các yếu tố khác là thích hợp thì mật độ phù hợp sẽ cho khả năng tăng trưởng càng cao và tỷ lệ nhiễm bệnh càng thấp.

Mật độ nuôi vận dụng cho nuôi nền sử dụng chất độn:

Gà lông màu: 20 – 40 con/ m2

Mật độ nuôi vận dụng trên sàn:

Gà lông màu: 25-50 con/ m2

Ngan, vịt siêu thịt 1 tuần tuổi: 15 – 20 con/m2 nền chuồng, 2 tuần tuổi: 8 – 10 con/m2 nền chuồng, từ 3 – 8 tuần tuổi: 6 – 8 con/m2 nền chuồng. Từ 9 – 25 tuần tuổi: 5 – 6 con/m2 nền chuồng.

  1. Chăm sóc nuôi dưỡng:

– Kỹ thuật cho uống:

Nước là nhu cầu đầu tiên của gia cầm khi mới xuống chuồng. Nước cung cấp cho gia cầm uống phải đảm bảo vệ sinh, không được lạnh, tốt nhất là hơi ấm trong 2 ngày đầu. Để tăng sức đề kháng trong những ngày đầu có thể pha vào nước vitamin C hoặc vitamin tổng hợp, liều theo hướng dẫn sử dụng.

Vị trí đặt máng uống phải bố trí cho gia cầm con dễ tiếp cận không bị máng ăn che khuất.

Chú ý đặt máng uống cân và độ cao phù hợp để gia cầm non dễ uống nhưng không nhảy vào máng hoặc vảy nước làm ướt nền chuồng sẽ gây ướt lông làm gia cầm bị lạnh.

– Thức ăn và kỹ thuật cho ăn: Thức ăn đảm bảo giá trị dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của từng giống gia cầm.

+ Máng ăn: 1-3 ngày đầu có thể dùng giấy xi măng, giấy báo cũ trải lên chất độn chuồng để gia cầm dễ ăn. Trong 1-3 tuần đầu sử dụng khay ăn bằng tôn, nhựa với kích thước 3 x 50 x 80 cm cho 100 gia cầm con. Sau 3 tuần nên thay máng ăn dài hoặc máng P50 cho hợp vệ sinh.

Khi dùng máng treo cần phải thường xuyên điều chỉnh độ cao ngang vai gia cầm để ăn dễ dàng và tránh bị rơi vãi thức ăn.

+ Kiểm soát thức ăn

Thức ăn nuôi gia cầm con phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Sử dụng các nguyên liệu mới, chất lượng tốt, không nấm mốc.

+ Kỹ thuật cho ăn

Sau khi gia cầm đã được uống nước thì cho chúng ăn.

Đối với gia cầm con: Cần cho gia cầm ăn nhiều lần trong ngày. Lượng thức ăn mỗi lần cân đối đủ theo nhu cầu để thức ăn luôn được mới, sạch sẽ, kích thích tính thèm ăn của gia cầm. Mỗi lần cho ăn cần loại bỏ chất độn chuồng và phân lẫn trong máng để tận dụng cám cũ.

Chỉ nên cung cấp một lượng thức ăn nhỏ và sẽ cấp bổ sung khi gia cầm ăn hết thức ăn. Tránh cấp lượng thức ăn lớn gia cầm không ăn hết dẫn đến ẩm, hôi làm mất tính thèm ăn của gia cầm. Hơn nữa thức ăn cho nhiều dẫn đến rơi vãi lẫn với chất độn chuồng, gây nấm mốc, khi gia cầm ăn vào sẽ độc hại, ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng hoặc hít bào tử nấm vào phổi sẽ gây nấm phổi.

  1. Thú y phòng bệnh

+ Thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng bệnh: đảm bảo yếu tố cách ly, vệ sinh thức ăn, nước uống, chuồng nuôi và môi trường xung quanh. Thường xuyên quan sát, theo dõi sức khỏe đàn gia cầm.

+ Dùng vắc-xin phòng bệnh: Thực hiện tốt lịch phòng bệnh cho gia cầm bằng vắc-xin, tuy nhiên, với những ngày quá lạnh, nên tiêm hoặc nhỏ vắc-xin cho gia cầm vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, thao tác phải nhanh, đảm bảo nhiệt độ quây úm duy trì ổn định. Trước và sau khi dùng vắc-xin 2-3 ngày, bổ sung vitamin tổng hợp để tăng sức khỏe cho gia cầm và đáp ứng miễn dịch tốt hơn.

  1. Kê khai hoạt động chăn nuôi

– Tổ chức, cá nhân chăn nuôi thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi từ ngày 25 đến ngày 30 của tháng cuối quý với Ủy ban nhân dân xã, phường (Theo quy định tại Điều 54 Luật Chăn nuôi ngày 19/11/2018 và Điều 4 thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

– Việc kê khai hoạt động chăn nuôi làm căn cứ hỗ trợ cho đàn vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (Theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ)

  1. Đối với thủy sản

Vào mùa đòng thường có những đợt rét đậm, rét hại dài ngày, nhiệt độ xuống dưới 15oC làm cho nhiều loài cá bị chết, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, cho cả người nuôi thuỷ sản. Để hạn chế thiệt hại do thời tiết lạnh giá gây ra, xin giới thiệu với bà con một số biện pháp phòng chống rét cho cá như sau:

  1. Với ao nuôi:

+ Che ao bằng nilon, cá đưa vào ao chống rét vẫn chăm sóc cho ăn bình thường bằng cám Con cò theo định kỳ vào sáng và chiều theo quy trình nuôi cho cá béo khỏe tăng khả năng chống rét. Sang tháng 12, tháng 1 trời rét đậm dùng tre làm giàn trên mặt ao che phủ nilon kín để tăng khả năng giữ nhiệt độ cho ao. Dưới ao bơm nước sâu từ 1,4 – 1,5m. Mặt ao thả bèo tây 2/3 ao về phía bắc chắn gió bắc.

+ Làm sọt cho cá tránh rét. Tạo một góc ao sâu về phía bắc, dùng các sọt đan bằng tre lấy rơm rạ dùng nước vôi phun vào sát trùng, phơi thật khô ấn đầy vào sọt, cắm cọc đơm sọt xuống đáy ao ( Khi rơm rạ bị phân hủy, vớt lên và thay lượt rơm rạ khác) hoặc xếp gạch xung quanh bằng mặt đáy ao, để khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C cá sẽ xuống đó trú ẩn tránh rét, trên mặt ao thả 2/3 bèo tây về phía bắc để chăn gió, thường xuyên bơm nước giữ độ sâu nước ao từ 1,4–1,5m.

  1. Chế độ chăm sóc:

Cần chăm sóc cho cá béo khỏe trước khi vào mùa lạnh. Khi trời lạnh, tránh đánh bắt làm cá bị xây xát, dễ nhiễm các bệnh do nấm, vi khuẩn.

– Nên cho cá ăn vào lúc trời ấm (buổi trưa) bằng thức ăn đủ chất dinh dưỡng hoặc thức ăn công nghiệp chất lượng cao, bổ sung đa vitamin và vitamin C để cá có đủ sức đề kháng và chịu rét.. Khi nhiệt độ nước xuống dưới 18 độ C, ngừng cho cá ăn, không đánh bắt. (Sau khi trú đông cần cho cá ăn tích cực 10-15 ngày. Lượng cho ăn 3-5% trọng lượng cá trong ao.

* Lưu ý: Khi thời tiết thay đổi từ mùa đông sang mùa xuân, từ mùa thu sang mùa đông, cá dễ bị bệnh cần phải cho ăn thuốc phòng bằng loại thuốc Tiên Đắc I có bán ở các cơ sở trạm, trại cá với lượng 10g thuốc trộn với thức ăn là cám, gạo, bột mì đã nấu chín cho 50kg cá trong ao, cho ăn liên tục 2 – 3 ngày liền, cá sẽ chống được bệnh, nhất là bệnh đốm đỏ ở cá trong mùa xuân. Ngoài cho ăn thuốc phòng, những tháng 2, tháng 3 cần dùng vôi bột rắc xung quanh ao và giữa ao với lượng 5 – 7 kg/sào, nếu không có vôi có thể dùng tro bếp rắc khắp ao với lượng 8 – 10kg/sào. Dọn sạch cỏ, rác, thức ăn thừa ở nơi cho cá ăn, dùng vôi bột và sunphat đồng cho vào túi vải treo ở nơi cho ăn để diệt trùng và nấm gây bệnh cho cá phát triển đầu vụ xuân. Tất cả các biện pháp trên là phòng bệnh cho cá là chính, không để cho bệnh cá xảy ra. Nếu bệnh cá xuất hiện thì phải bắt, cách ly sớm những con cá bị bệnh để chữa trị, tránh lây lan ra đàn cá trong ao.

  1. Đối với ao nuôi ốc nhồi:

Có thể áp dụng một số biện pháp bảo quản ốc qua đông như sau:

Nếu nuôi ốc trong bể kín thì dâng nước lên và dùng bạt để che

Nếu nuôi trong bể hở thì dùng bèo tây sạch che phủ mặt bể để giữ ấm cho ốc

– Phủ bèo trên mặt nước:

Nếu nuôi ốc nhồi trong ao thì khoanh vùng 1/3 diện tích mặt nước thả bèo tây để làm nơi trú ấn cho ốc tránh rét, ngoài việc giữ ấm bèo còn hạn chế được sự ô nhiễm nguồn nước, vừa đảm bảo tỷ lệ ốc sống sót qua mùa đông vừa đảm bảo được tập tính tự nhiên của ốc.

– Bảo quản trong thùng xốp: Đưa ốc vào thùng xốp được đục lỗ thoáng khí, trong quá trình b ảo quản thường xuyên kiểm tra độ ẩm của ốc trong thùng, nếu thiếu ẩm phải bổ sung bằng bình xịt, nhiệt độ nước từ 20-25oC.

– Đào hầm đất: Bảo quản ốc bằng cách đào hầm đất xung quanh ao để ốc trú ẩn. Cách bảo quản này thuận theo tự nhiên của ốc nên sẽ đảm bảo tỷ lệ sống tương đối cao.

– Tháo cạn ao, hồ:  Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp thì tháo cạn nước ao nuôi để ép ốc trú đông, ốc sẽ tự chui xuống lớp bùn 10-20cm khi không có nước, số ốc còn lại sẽ được giữ ấm bằng lớp bèo trên mặt đất, tuy nhiên phải đảm bảo khi hết đông thì có nước để bổ sung cho ao, hồ.

Bên cạnh các biện pháp trên, người chăn nuôi cần chủ động cập nhật kịp thời và thường xuyên thông tin diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động trong việc phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi.

Trên đây là hướng dẫn các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản trong vụ Đông – Xuân năm 2024- 2025 của Ủy ban nhân dân xã Giới Phiên./.


Bài viết mới nhất:
Powered by VNPT